LCĐT – Nhờ thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và đây được xác định là “đòn bẩy” để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp.
Để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn được coi là lĩnh vực lợi nhuận thấp, nhiều rủi ro, thời gian qua, tỉnh đã tập trung các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan đến vấn đề tích tụ đất đai để phát triển sản xuất quy mô lớn; quan tâm đầu tư và hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng… Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hình thành các liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ, hợp tác xã, trang trại và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vai trò hạt nhân khi liên kết.
Minh chứng rõ nhất cho việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, như Quyết định số 143/2016/QĐ-UBND về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020; Quyết định số 96/2016/QĐ-UBND về hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp đối với các huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Mới đây nhất là Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: Tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo định hướng của tỉnh; giúp người dân có điều kiện tiếp cận, áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đến 2020 hình thành rõ nét một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá chủ lực, ứng dụng công nghệ cao (dược liệu, rau, chè, cây ăn quả, sản xuất giống cây trồng, cá nước lạnh…); đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng cao và bền vững, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 47 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đăng ký 2.640 tỷ đồng, gồm: 33 cơ sở thuộc lĩnh vực trồng trọt đã liên kết sản xuất và hình thành các chuỗi khép tín tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích đất tích tụ thông qua liên kết sản xuất là hơn 8.000 ha, có khoảng 13.000 hộ nông dân tham gia; 10 cơ sở thuộc lĩnh vực chăn nuôi; 4 cơ sở kinh doanh hỗn hợp.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã đạt hiệu quả. Trong đó phải kể đến Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa liên kết với khoảng 200 hộ của huyện Sa Pa và huyện Bắc Hà xây dựng vùng nguyên liệu actiso, chè dây, đương quy với tổng diện tích hơn 150 ha để sản xuất các loại cao actiso, viên thuốc bổ gan Boganic và nhiều dược phẩm khác. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa cho biết, công ty luôn chủ động trong liên kết “4 nhà”. Phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch phát triển vùng trồng dược liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học cho nông dân, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây dược liệu. Sản lượng thu hoạch cây dược liệu hiện nay cơ bản cung ứng đủ cho dây chuyền sản xuất của nhà máy đặt tại thành phố Lào Cai, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ trồng actiso, đương quy.
Tương tự, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình và người trồng chè của huyện Mường Khương đã chủ động đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. Hiện công ty có vùng nguyên liệu hơn 2.500 ha tại 9 xã với khoảng 2.000 hộ tham gia. Các hộ trồng chè đều ký hợp đồng về vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi với Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình. Nhờ được cung ứng vật tư nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc, thu hái và đảm bảo đầu ra, giá sản phẩm chè búp tươi tương đối ổn định, đời sống của các hộ ngày càng khá hơn.
Ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình cho biết: Để đảm bảo thu mua chè búp tươi của nông dân theo cam kết, đồng thời sản xuất ra nguyên liệu sạch, đủ tiêu chuẩn chế biến chè khô xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Trung Đông, công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất, chế biến chè tiên tiến với khả năng tự động hóa hơn 70%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, diện tích chè ở huyện Mường Khương không ngừng mở rộng (gần 3.000 ha hiện nay), đặc biệt, trình độ thâm canh của người dân được nâng cao nên năng suất chè tăng. Để đảm bảo tiêu thụ chè búp tươi cho người dân, kế hoạch của công ty là sẽ đầu tư khoảng 40 tỷ đồng xây dựng thêm nhà máy sản xuất, chế biến chè tại Mường Khương với công suất 100 tấn/ngày.
Nhìn vào kết quả trên cho thấy, việc đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp từng bước làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển ổn định. Tuy nhiên, hiện số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương bởi nhiều bất cập. Trong đó có việc người dân quen với tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ nên khó tích tụ đất đai quy mô lớn, hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, thị trường thiếu ổn định, chính sách về đất đai chưa thông thoáng, khó tiếp cận nguồn vốn vay, trình độ lao động còn yếu dẫn đến năng suất lao động thấp…
Hy vọng, với các cơ chế, chính sách ưu đãi mà tỉnh đã ban hành, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương sẽ tạo thêm động lực để sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhanh và mạnh hơn.